Hơn 30 vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt

Hơn 30 vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt

Dự thảo đề xuất tăng nặng nhiều hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm đến ATGT, bổ sung thêm nhiều hành vi xử phạt.

Keyword đầu tiên có dấu

Dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến. Trong đó, dự thảo đề xuất tăng nặng nhiều hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm đến ATGT và bổ sung thêm nhiều hành vi xử phạt.

Không “nương tay” với vi phạm giao thông

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt với các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm đến ATGT như: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy, các hành vi vi phạm trên đường cao tốc.

Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm ở mức 2 và mức 3 đối với người khiển ô tô và mức 3 đối với người điều khiển xe máy. Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 3, Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 26-30 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 14-16 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16 – 18 triệu đồng và tước GPLX 4-6 tháng.

Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), dự thảo đề xuất giữ nguyên mức như quy định tại Nghị định 46. Ở mức vi phạm này, dự thảo chỉ đề xuất tăng mức xử phạt bổ sung tước GPLX lên 10 – 12 tháng. Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt tương tự như trên.

Đối với người điều khiển xe máy, dự thảo chỉ đề xuất tăng mức xử phạt ở mức cao nhất (mức 3). Cụ thể: Xử phạt 5 – 7 triệu đồng và tước GPLX 14-16 tháng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 đang xử phạt hành vi này 3-4 triệu đồng và tước GPLX 3 – 5 tháng.

Một điểm mới đáng chú ý khác là các hành vi vi phạm trên đường cao tốc quy định tại Nghị định 46 đang gộp chung tại một điều với mức xử phạt chung từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng và tước GPLX 1- 3 tháng. Tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất tách ra thành nhiều hành vi khác nhau với mức xử phạt tăng nặng. Cụ thể, dự thảo Nghị định tách hành vi lùi xe trên cao tốc thành một điểm riêng với mức phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 4 – 6 tháng. Bên cạnh đó, hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, cũng được đề xuất mức xử phạt tương tự. Hành vi quay đầu xe trên đường cao tốc cũng được tách thành điểm riêng với mức xử phạt tăng nặng lên 7 – 8 triệu và tước GPLX từ 4 – 6 tháng.

Tại dự thảo Nghị định lần này, nhóm hành vi vi phạm đi không đúng phần đường, làn đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ; các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ… cũng được tăng nặng mức xử phạt so với trước.

Lý giải về việc tăng nặng các mức phạt, ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) – thành viên ban soạn thảo Nghị định cho biết, thực tiễn qua 3 năm thực hiện, một số nhóm hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và là nguyên nhân TNGT vẫn diễn biến phức tạp.

“Tình trạng vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, nhóm hành vi vi phạm về vận tải đường bộ. Những hành vi này chế tài xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe nên lần sửa đổi này xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, Nghị định cũng mô tả lại một số hành vi để sát với quy định hiện hành và để thực hiện khả thi”, ông Tùng nói.

Bổ sung thêm nhiều điểm mới

Keyword đầu tiên có dấu
Bộ GTVT đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn
(Trong ảnh: Hiện trường vụ nữ tài xế uống bia rượu, lái xe BMW gây tai nạn liên hoàn
khiến 6 người thương vong tại ngã tư Hàng Xanh, TP HCM). Ảnh: Phùng Sơn

Cũng theo ông Hoàng Thế Tùng, ngoài tăng phạt tiền, dự thảo Nghị định cũng tăng thời gian tước GPLX. Trước đây cũng đã đề cập tăng cao thời gian tước GPLX nhưng gặp phải phản ứng của các hiệp hội cho rằng như thế là hạn chế quyền lao động của lái xe nên Nghị định 46 chỉ quy định tước GPLX 3 – 5 tháng. Tuy nhiên, quan điểm hiện nay đã khác, Chính phủ không khuyến khích vi phạm, nếu anh không vi phạm sẽ không hạn chế quyền lao động. Vì vậy, dự thảo sửa đổi Nghị định 46 nâng thời gian tước GPLX lên 14 – 16 tháng.

Đối với người điều khiển xe mà trong cơ thể có ma túy, ông Tùng cho biết, hành vi này sẽ bị tước bằng kịch khung theo Luật là 22 – 24 tháng. Đối với hành vi này, Nghị định 46 đang quy định tước GPLX là hình thức xử phạt chính (không có GPLX mới phạt tiền, còn có GPLX thì chỉ tước mà không phạt tiền). Tuy nhiên, từ thực tiễn các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân là lái xe có liên quan đến ma túy vừa qua nên trong lần sửa đổi này sẽ áp dụng cả 2 hình thức xử phạt.

Theo ông Hoàng Thế Tùng, để chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ thực hiện có hiệu quả, dự thảo bổ sung xử phạt chủ phương tiện không dán thẻ thu phí không dừng (Etag) đi vào làn có thu phí không dừng. Theo quy định, các trạm thu phí vẫn còn một làn thu hỗn hợp để cho xe không gắn thẻ Etag. Vì vậy, dự thảo cũng bổ sung phương tiện không lắp thẻ Etag mà đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị xử phạt giống như hành vi đi sai làn đường. Dự thảo sẽ bỏ quy định xử phạt ùn tắc tại các trạm thu phí đối với nhà đầu tư và quy định nhà đầu tư chỉ được xả trạm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền


Liên quan đến quy định tạm giữ tang vật, phương tiện, ông Tùng cho biết, hiện nhiều địa phương phản ánh bãi tạm giữ phương tiện đang bị quá tải. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xem xét giảm các hành vi bị tạm giữ nhưng qua rà soát, tổ soạn thảo nhận thấy, hầu hết các hành vi bị tạm giữ trong Nghị định 46 như xe quá hạn đăng kiểm, người điều khiển không có GPLX, sử dụng rượu bia, ma túy là những hành vi buộc phải tạm giữ phương tiện để ngăn chặn.

“Lực lượng chức năng nhiều địa phương vẫn cho rằng biện pháp tạm giữ phương tiện là một hình thức xử phạt và đề nghị tăng nặng vì người vi phạm rất sợ. Tuy nhiên, để thực hiện được cũng phải sửa luật vì hiện chưa có quy định”, ông Tùng cho biết.

Một điểm mới khác được ông Tùng đề cập đó là hiện lực lượng chức năng đang gặp khó trong xử lý phương tiện đục lại số khung, số máy. Nghị định 46 quy định chỉ xử phạt và trả lại phương tiện và chủ phương tiện lại tiếp tục lưu thông. Lực lượng xử lý cho rằng, rõ ràng đây là tang vật vi phạm mà lại trả lại. Chính phủ đang chỉ đạo rà soát tịch thu phương tiện đối với một số hành vi. Vì vậy, lần này dự thảo Nghị định quy định sẽ tịch thu phương tiện tự ý đục lại số khung số máy để xử lý dứt điểm vi phạm.

Trong kinh doanh vận tải, ông Tùng cho biết, dự thảo Nghị định sẽ bổ sung xử phạt 7 – 10 triệu đồng đối với doanh nghiệp, chủ phương tiện đối với cá nhân và 14-20 triệu đồng đối với tổ chức để cho người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy. Đối với chủ xe là cá nhân sẽ khó thực hiện nhưng nếu đã là doanh nghiệp thì phải quản lý được lái xe, biết được lái xe của mình có nghiện hay không. Đối với hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn khó phạt chủ phương tiện vì việc uống rượu bia của lái xe là hành động nhất thời, nếu quy trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ khó thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã thực hiện hơn 10 năm, trong quá trình phát triển nhiều nội dung không còn phù hợp, phát sinh nhiều hành vi vi phạm, nhất là đối với lĩnh vực đường bộ cần phải cập nhật điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển.

“Trước nhu cầu bức xúc của xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Nghị định 46, có nhiều hành vi, đối tượng cần bổ sung và có chế tài xử phạt phù hợp. Các hành vi mới xuất hiện trong xã hội như không gắn thẻ đi vào làn thu phí không dừng, phương tiện hoán cải, điều khiển xe điện, “xe dù, bến cóc” hay một số hành vi mới trong chở quá tải, quá khổ phải đưa vào đầy đủ để có chế tài xử phạt. Đặc biệt, là đối với những hành vi của xe ứng dụng công nghệ như Grab, Uber, xe hợp đồng Limousine sẽ được phân tích hành vi rõ ràng đưa vào mức xử phạt phù hợp”, Thứ trưởng Thọ nói.

Vẫn băn khoăn về thẩm quyền

78 hành vi, nhóm hành vi sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đường sắt
Trong lĩnh vực đường sắt, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung, mô tả lại 78 hành vi, nhóm hành vi; bổ sung 82 hành vi, nhóm hành vi với 64/69 Điều được sửa đổi, 4 Điều được bổ sung để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm. Cụ thể các hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, bổ sung như: Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt; Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường sắt…


Dù đồng tình với đề xuất tăng nặng mức xử phạt, nhiều ý kiến cho rằng cần chú ý đến hiệu quả thực hiện vì hiện còn vướng trong thẩm quyền xử phạt. Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Trưởng phòng Pháp luật hành chính, Kinh tế, Dân sự, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) cho biết, mức xử phạt tối đa 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn và ma túy đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Mức xử phạt này đến nay đã có bất cập, nhiều vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn và ma túy thời gian qua đã chứng minh. Nếu chưa sửa luật thì không thay đổi được mức phạt này.

“Trên cơ sở nhu cầu phát sinh từ thực tiễn, chúng ta muốn nâng mức xử phạt nhưng cũng cần tính đến hiệu quả của việc xử phạt. Hiệu quả ở đây chính là thẩm quyền xử phạt. Theo quy định, giám đốc công an tỉnh chỉ được xử phạt bằng 50% mức xử phạt tối đa. Nếu cao hơn mức này, thẩm quyền phải chuyển sang Chủ tịch UBND tỉnh. Với số lượng lớn vi phạm, sẽ dễ dẫn đến ách tắc trong xử phạt do mất nhiều thời gian chuyển hồ sơ, ảnh hưởng đến hiệu quả xử phạt.

Ông Hoàng Thế Tùng cho biết thêm, khi tăng mức xử phạt không phải chúng ta không thực hiện được mà sẽ khó khăn trong quá trình triển khai. Theo ông Tùng, đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe, Nghị định 46 đang xử phạt cao nhất là 18 triệu đồng. Theo quy định, dưới 20 triệu thuộc thẩm quyền xử phạt của giám đốc công an tỉnh. “Nếu quá lại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Trong khi đó, trưởng phòng CSGT hiện chỉ có thẩm quyền xử phạt mức 8 triệu, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ sẽ không xử lý được ngay mà phải chuyển lên nhiều cấp mới ra được quyết định xử nên mất nhiều thời gian”, ông Tùng dẫn chứng và cho biết: “Để tăng nặng thêm mức phạt phải sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt nhưng để làm được điều này phải sửa Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012”.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, mức phạt tiền tối đa 40 triệu như quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính phù hợp với nhiều hành vi nhưng một số hành vi chưa phù hợp. Thời gian tới có thể đề xuất tăng mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên cao hơn, có thể lên 100 triệu. Một số hành vi cần có mức phạt tối đa cao hơn, nhưng khi chưa sửa đổi được Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn phải thực hiện mức này.

“Tại thời điểm hiện nay khó có thể đề xuất thay đổi thẩm quyền xử phạt, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ sửa đổi bổ sung một số điều. Nếu thay đổi thẩm quyền sẽ thay đổi hầu hết các lĩnh vực khác ngoài giao thông, có chăng chỉ thay đổi mức phạt tiền tối đa”, bà Hà nói.

Đối với việc bổ sung xử phạt người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, bà Hà cho rằng cần làm rõ cơ sở pháp lý và cơ chế xác định xử lý. Trong đó, cần làm rõ cách thức xác định, mỗi loại ma túy có cách xác định khác nhau nên cần cân nhắc cơ chế xử lý đối với hành vi này, tránh trường hợp bắt nhầm hoặc tạm giữ, xử phạt nhầm người chỉ sử dụng thuốc tân dược, trong cơ thể họ cũng có chất ma túy. Ví dụ như đối với ma túy “truyền thống” phải qua xét nghiệm. Hay hiện đang có loại ma túy tổng hợp phải mất 3 – 5 ngày để xác định những dấu hiệu cơ bản của người có tâm thần hay không.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT tiếp tục tiếp thu, lắng nghe phản biện để tổng hợp có dự thảo chất lượng phù hợp với thực tiễn. Trong lần sửa đổi này, một số quy định tại Nghị định 46 đã thành nguyên tắc như: Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải sẽ được đưa các hành vi này vào Nghị định 46. Có những quy định phải sửa Luật Giao thông đường bộ nhưng những hành vi mới sát với thực tế có đủ điều kiện sẽ bổ sung vào nghị định để xử lý. Đối tượng là chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và trách nhiệm cơ quan quản lý cũng được xem xét. Mức phạt được quy định cao nhất, không thể “nương tay” đối với những hành có tính chất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN: 
Chế tài và tổ chức thực thi đều phải được coi trọng đúng mức

Keyword đầu tiên có dấu

Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chế tài xử phạt và lần nào cũng có lý do là chưa đủ sức răn đe. Dường như trong câu chuyện này có gì đó chúng ta chưa làm đầy đủ, các giải pháp đặt ra chưa hoàn thiện. Chế tài đưa ra là hợp lý nhưng việc tổ chức thực thi chế tài hiệu quả chưa cao. Khoản 6 Điều 4 Luật Giao thông đường bộ quy định: Mọi hành vi vi phạm giao thông phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Vậy nên giữa chế tài và tổ chức thực thi đều phải được coi trọng đúng mức, ai vi phạm phải bị xử phạt.

Cần kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là ngành Công an và Giao thông sớm xây dựng đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong TTKS giao thông theo hướng hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin để xử phạt nguội. Cùng với đó phải xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách theo hướng khuyến khích người dân tự giác chấp hành. Đồng thời phải xử lý nghiêm minh hành vi không tự giác theo hướng lũy tiến, vi phạm lần sau phải phạt nặng hơn lần trước. Nếu cứ giữ việc kiểm soát giao thông như hiện nay, trật tự giao thông sẽ khó đi vào nề nếp, hình ảnh giao thông của chúng ta vẫn mãi lạc hậu.

Đại tá Phạm Văn Hòa, Phó trưởng phòng Hướng dẫn TTKS giao thông
ường bộ (Cục CSGT):

Trên 10 triệu trường hợp bị xử phạt

Keyword đầu tiên có dấu

Qua 2 năm tổng kết thực hiện Nghị định 46, lực lượng CSGT đã xử phạt trên 10 triệu trường hợp với số tiền xử phạt trên 6.000 tỷ đồng. Trong số này có đến trên 400.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhiều địa phương xử lý cao như Vĩnh Phúc, Phú Thọ hàng năm với 8.000 trường hợp. Vì vậy, dự thảo Nghị định cần tập trung tăng nặng hình thức xử phạt vào những hành vi có tính nguy hiểm cao như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm trên cao tốc. Đồng thời, cần xác định nguyên nhân tai nạn để định rõ các hành vi nguy hiểm. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm mới xuất hiện trong thực tế cũng cần xử lý nghiêm.

Tác giả: T. Duy-BGT